Để điểm thi môn giáo dục công dân sát thực tế hơn | Giáo dục


Kết quả này trước hết học sinh rất phấn khởi, thầy cô cũng hân hoan, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng do đề thi dễ cùng với hình thức trắc nghiệm chỉ lựa chọn đáp án đúng, không có giải thích… nên kết quả điểm thi cao là đương nhiên.

Qua đề thi tốt nghiệp THPT môn GDCD, nhiều thầy cô có cùng nhận định số câu hỏi nhận biết, thông hiểu nhiều hơn số câu hỏi vận dụng. Tuy nói là câu hỏi vận dụng, xử lý tình huống ví dụ (từ câu 111 – 120, mã thi đề 314) nhưng thực tế là câu hỏi nhận biết về quyền và nghĩa vụ của công dân; trách nhiệm của công dân như thế nào, còn cách xử lý tình huống, thái độ học sinh ra sao thì chưa được đặt ra trong đề kiểm tra.

Ngoài ra, nội dung kiến thức môn GDCD lớp 12 cũng ngắn gọn hơn tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT, câu hỏi lại gắn liền với cuộc sống thực tế nên học sinh dễ nhận biết, dễ làm. Nói chung đề nhẹ nhàng, chỉ kiểm tra lý thuyết, nhận biết nên học sinh đạt điểm thi cao.

Đối với môn GDCD, để đánh giá đúng năng lực của học sinh, không chỉ căn cứ kết quả của bài thi với hình thức kiểm tra trắc nghiệm mà Bộ GD-ĐT cần kết hợp kiểm tra giữa trắc nghiệm với tự luận. Vì đặc thù môn GDCD là giáo dục những chuẩn mực đạo đức (phẩm chất), pháp luật (quyền và nghĩa vụ) nên chúng ta không nên chỉ kiểm tra lý thuyết mà cần có câu hỏi vận dụng vào thực tế xử lý tình huống đặt ra để đánh giá học sinh có làm theo pháp luật hay không. Như vậy mới đảm bảo được việc học đi đôi với hành, mới kiểm tra đầy đủ về phẩm chất, năng lực của từng học sinh, xứng đáng với điểm 10 đạt được.

Thực tế không ít học sinh điểm kiểm tra, thi môn GDCD đạt 9, 10 nhưng lại vi phạm pháp luật như vượt đèn đỏ, đánh nhau…





Link Hoc va de thi 2021

Chuyển đến thanh công cụ